Bài học về giáo dục: Sức khỏe tâm thần

Tìm hiểu chia sẻ của các nhà lãnh đạo giáo dục hiện nay tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả tình trạng kiệt sức và mệt mỏi do nhìn màn hình.

Học sinh đang vẫy tay

Giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần, kiệt sức và mệt mỏi do nhìn màn hình trong kỷ nguyên giáo dục mới

Mặc dù nhiều người trong chúng ta muốn quên đi rằng đại dịch đã từng xảy ra nhưng vẫn có nhiều khía cạnh của thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa.

 

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022, IBRS đã tiến hành phỏng vấn các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học và đại học từ khu vực Úc - New Zealand (ANZ) và Đông Nam Á (ASEAN) để tìm hiểu về tác động đối với lĩnh vực giáo dục. Báo cáo kết quả nhấn mạnh rằng mặc dù nhiều phương pháp đổi mới được sử dụng để duy trì hoạt động trong thời gian phong tỏa sẽ định hình tương lai của giáo dục nhưng cũng đặt ra những vấn đề mới cần được giải quyết.

Phải ưu tiên cho sức khỏe tâm thần

Việc phong tỏa khiến học sinh, sinh viên và giáo viên căng thẳng hơn. Nhờ đó đã nâng cao được nhận thức về tình trạng mệt mỏi khi tham gia hội nghị video (một phản ứng trước căng thẳng khi phải “luôn kết nối” nhờ giao tiếp qua video) và tăng cường khả năng nhận diện các vấn đề về sức khỏe tâm thần thông qua việc học sinh, sinh viên tham gia hoặc không tham gia trong suốt quá trình học trực tuyến.

 

Điều này đã nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần (cũng như sự đa dạng thần kinh) và khiến việc nhắc đến chủ đề này trở nên dễ chấp nhận hơn trong gia đình, trường học và xã hội nói chung. Sự tương tác của sinh viên với các chuyên gia tâm lý tăng lên, không chỉ do căng thẳng gia tăng, mà bởi vì căng thẳng không còn được coi là một điều cấm kỵ.

 

Sự thay đổi văn hóa này khó có thể biến mất. Học sinh, sinh viên và gia đình hiện đã cởi mở hơn để thảo luận về sức khỏe tâm thần và do đó, có những kỳ vọng mới về đóng góp của trường học trong các chương trình sức khỏe tâm thần.

Giờ đây, chúng tôi đã có các nhân viên tư vấn hướng dẫn sẵn sàng liên hệ qua nhiều phương tiện: Viber, Facebook, điện thoại. Nhưng chúng tôi không chỉ cung cấp quyền truy cập. Việc xây dựng một trường học thể hiện cách chúng tôi coi trọng mỗi sinh viên thế nào là rất quan trọng.

Joseph Ray Garrido, Trường La Salle Green Hills

Phải sử dụng thiết bị có màn hình cho mục đích hữu ích

Nhiều người tin rằng các tổ chức giáo dục cần quản lý chặt chẽ thời gian sử dụng thiết bị có màn hình. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng cuộc sống của học sinh, sinh viên ngày càng được số hóa. Vì vậy, vấn đề không phải là giảm thời gian sử dụng thiết bị có màn hình, mà đúng hơn là làm thế nào để đảm bảo các tương tác kỹ thuật số có mục đích hữu ích và cân bằng với các hình thức tương tác khác.

 

Điều quan trọng nhất là xây dựng các hoạt động đánh giá phản ánh nội dung mà học sinh, sinh viên sẽ xem trong bối cảnh cuộc sống ngày càng số hóa. Ngày nay, học sinh, sinh viên chuẩn bị bài luận bằng Google Docs, xây dựng các bài thuyết trình kỹ thuật số, tương tác với các bảng tính trực tuyến tương tác, sản xuất video và nhiều hoạt động số hóa khác. Vì vậy, ngay cả khi giáo viên nhận thức được rằng cần phải giảm thời gian sử dụng thiết bị có màn hình thì việc tìm cách tạo ra các đánh giá thực chất để cân bằng giữa các phương tiện kỹ thuật số và phương tiện truyền thống có thể vẫn là một thách thức.

Giống như hầu hết các yếu tố khác trong giảng dạy, [thời gian sử dụng thiết bị có màn hình] phải là một cách tiếp cận cân bằng. Ý tưởng về thời gian sử dụng màn hình hiện đang trở thành một phần không thể thiếu trong việc lập kế hoạch bài học. Bạn cần chủ động tạo ra các khoảng thời gian trong đó học sinh, sinh viên không làm việc trên màn hình. Bạn cần phân chia chương trình giảng dạy để giảm thời gian sử dụng thiết bị có màn hình, giúp bài học hiệu quả và tập trung hơn.

Carolyn Rhodes, OneSchool Global

Việc học tập phải do học sinh, sinh viên chủ động

Trước phong tỏa, cách tiếp cận chủ đạo trong giảng dạy là các bài giảng dài, theo sau là các khoảng thời gian hướng dẫn ngắn và sau đó học sinh, sinh viên tiến hành làm bài tập một mình hoặc trong các nhóm nhỏ.

 

Trong thời gian phong tỏa, những điểm yếu của phương pháp sư phạm này đã được bộc lộ rõ. Các cuộc gọi video dài không chỉ tỏ ra không hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức mà còn có nguy cơ làm giảm khả năng học tập. Một loạt các nghiên cứu tình huống do IBRS thực hiện vào năm 2021 đã nhận thấy học sinh, sinh viên ngày càng thiếu gắn kết với các buổi học qua video từ xa. Đây không chỉ là vấn đề học sinh, sinh viên mệt mỏi do nhìn màn hình trong thời gian dài, mà còn là biểu hiện của một vấn đề lớn hơn là các phương pháp học tập truyền thống không còn phù hợp.

 

Ngược lại, trong nghiên cứu này, IBRS nhận thấy một số tổ chức giáo dục đã đạt được mức độ tương tác cao trong việc học từ xa bằng cách áp dụng nghiêm ngặt phương pháp sư phạm với trọng tâm là học tập do học sinh, sinh viên làm chủ. Mặc dù các tổ chức giáo dục khác nhau đề cập đến phương pháp sư phạm này bằng các thuật ngữ khác nhau nhưng nói chung, cấu trúc sẽ bao gồm:

  1. Giai đoạn bài giảng: Các khoảng thời gian giảng dạy ngắn, cung cấp không quá ba khái niệm chính.
  2. Giai đoạn tự định hướng/khám phá: Học sinh, sinh viên nghiên cứu các tài liệu do giáo viên cung cấp, cũng như tìm hiểu các khái niệm cùng bạn học và thực hiện nghiên cứu của riêng mình thông qua các nguồn công khai và được tuyển chọn.
  3. Giai đoạn kèm cặp/hướng dẫn: Cá nhân học sinh, sinh viên hoặc một nhóm nhỏ tương tác với giáo viên theo hình thức hỏi đáp. Học sinh, sinh viên đặt câu hỏi cho nhau và cho giáo viên, phản biện ý kiến, tìm kiếm thông tin chuyên sâu mới và thu thập ý tưởng mới.
  4. Giai đoạn tổng hợp/đánh giá: Học sinh, sinh viên sẽ trình bày kiến thức mới mà họ nắm được, thông qua các hoạt động như các dự án, bài tập đã hoàn thành hoặc các bài kiểm tra chính thức

Giáo dục truyền thống được xây dựng để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp [lần thứ hai] nhằm tạo ra những công nhân giống hệt nhau cho các dây chuyền sản xuất. Nhưng chúng ta đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lớp học rập khuôn sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội và học sinh, sinh viên. Nhờ có Internet, mọi người đều có thể tiếp cận thông tin và học sinh, sinh viên có thể bước ra ngoài các giới hạn và bắt đầu tập trung vào các lĩnh vực khác nhau. Bây giờ, việc học phải lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm.

Joseph Ray Garrido, Trường La Salle Green Hills

Giáo dục tùy chỉnh thời gian đòi hỏi phải thay đổi kỳ vọng

Trong sáu tháng phong tỏa đầu tiên, nhiều tổ chức đã phải vật lộn để cân bằng giữa sự sẵn sàng của các nhà giáo với kỳ vọng của học sinh, sinh viên. Khi giai đoạn hướng dẫn được rút ngắn và các hoạt động học tập tự định hướng được chuẩn hóa thì học sinh, sinh viên đã bắt đầu sắp xếp lại thời gian cho các hoạt động học tập của mình. Tuy nhiên, khi làm như vậy, các em đã áp dụng các quy ước xã hội số của mình kèm theo tính tức thời vào các tương tác với giáo viên.

 

Cần thiết lập những kỳ vọng mới và đặt ra những ranh giới về cách thức và thời điểm giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên sẽ giao tiếp và cộng tác. Các chuẩn mực xã hội và phương pháp giao tiếp mới đã được thiết lập như nhắn tin trên cổng thông tin học tập điện tử, tin nhắn tức thời, phiên họp nhóm qua video và phòng theo nhóm.

Chúng ta không muốn giao nhiệm vụ cho giáo viên, vì vậy, chúng ta để giáo viên làm việc với học sinh, sinh viên và phụ huynh của các em. Nhưng họ cần truyền đạt những kỳ vọng và đặt ra các quy trình để quản lý thời gian của mọi người. Tuy nhiên, điều này phải được thực hiện thật cẩn thận, vì các giáo viên khác nhau có thể có những kỳ vọng khác nhau. Vì vậy, một chính sách thống nhất trong toàn trường vẫn có một vai trò nhất định.

Carolyn Rhodes, OneSchool Global

Quy tắc mới cho trạng thái bình thường mới

Đại dịch đã thúc ép lĩnh vực giáo dục phải phát triển. Mặc dù những thay đổi trong cách tiếp cận giảng dạy đã tạo ra nhiều cơ hội để học tập tốt hơn, hiện đại hơn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đi kèm với công nghệ và phương pháp tiếp cận mới là nghĩa vụ phải tạo ra ranh giới mới, đặt ra kỳ vọng mới và trọng tâm mới là sức khỏe tâm thần. Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, chúng ta cần ưu tiên những yếu tố quan trọng này.

 


Mặc dù được Zoom tài trợ nhưng nghiên cứu của IBRS được tiến hành độc lập và không tập trung vào các giải pháp của Zoom. Nghiên cứu này bao gồm 12 cuộc phỏng vấn nghiên cứu tình huống chi tiết với các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học và đại học cả công lập và dân lập. Để đọc báo cáo đầy đủ của IBRS, hãy nhấp vào đây.